Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

GIÁO HỘI VÀ ÁN TỬ HÌNH (bài viết năm 1994 của Lm Phan Tấn Thành)

Nhân vụ án Hồ Duy Hải, việc nên hay không nên áp dụng án tử hình lại trở thành một vấn đề thời sự. Xin gửi đến các bạn bài viết của Lm Phan Tấn Thành  từ năm 1994 để hiểu thêm về vấn đề này, và xem xét những tthay đổi theo hướng tiến bộ tính từ năm 1994 đến nay.
---------------
GIÁO HỘI VÀ ÁN TỬ HÌNH
(9-10-1994)
 Lm Phan Tấn Thành
Hôm thứ ba vừa rồi (4/10/94), Hội đồng đại biểu các quốc hội Âu châu đã khuyến cáo các quốc gia thành viên hãy loại bỏ án tử hình khỏi bộ hình luật, vì nó không hợp với xã hội văn minh tiến bộ. Xem ra lời khuyến cáo ấy có tính cách nhân đạo hơn là lập trường của Giáo hội công giáo, bởi vì Sách Giáo Lý phát hành cách đây hai năm còn cho phép áp dụng án tử hình. Có đúng như vậy không?
Khi quyển sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo mới in chưa khô mực, thì một vài ký giả đã góp nhặt và tung ra những chủ trương mà họ cho là lỗi thời, trong đó có vấn đề biện minh cho án tử hình. Vì thế, trong buổi giới thiệu quyển sách này với giới báo chí, đức Hồng y Ratzinger đã bị chất vấn về chuyện đó. Nhưng dư luận vẫn chưa thỏa mãn, và cuộc tranh luận vẫn tiếp tục. Có điều là từ đó đến nay, người ta đã có thể đọc chính bản văn trong văn mạch của nó chứ không phải chỉ qua vài đoạn mà các ký giả đã lấy ra. Nhờ vậy người ta nhận thấy lập trường của Giáo hội đối với án tử hình không tóm lại cộc lốc trong một tiếng “được” hay “không được”, nhưng đã được rào trước đón sau rất là kỹ lưỡng.
Tại sao Giáo hội lại có thái độ dè dặt như vậy?
Tại vì trong thời gian gần đây, vấn đề duy trì hay bãi bỏ án tử hình đã trở thành sôi nổi trong dư luận tại Âu Mỹ. Những người đòi bãi bỏ nó đã viện dẫn nhiều lý do triết lý cũng như thần học; hay nói khác đi, những lý do xét theo lý luận tự nhiên và những lý do của Phúc âm.
Xét theo lý luận tự nhiên, thì có những lý do chống lại án tử hình?
Chúng ta có thể nói được rằng những lý do này thường được viện dẫn trong giới luật gia cũng như trong các phong trào nhân đạo. Những lý do mà họ đưa ra thường là bẻ lại những luận cứ mà trước đây người ta đã dùng để biện minh cho án tử hình.
Lý do thứ nhất. Để biện minh cho án tử hình, người ta thường nại tới quyền tự vệ của xã hội: xã hội phải phòng ngừa các quân ác ôn khỏi gây rối an ninh. Trả lời: đồng ý, xã hội cần phải sử dụng biện pháp phòng ngừa những kẻ phá rối trị an; nhưng nói thế không có nghĩa là có thể nhắm mắt xài bất cứ biện pháp nào! Cần phải cân nhắc xem chúng có hữu hiệu hay không, và nhất là phải xét xem chúng có hợp với nhân đạo hay không.
Lý do thứ hai, xét về mục tiêu và ích lợi của án tử hình, người ta thấy rằng án tử hình không có công dụng gì hết. Có người cho rằng án tử hình nhằm ngăm đe những người khác: họ sẽ tránh phạm tội vì sợ mất mạng; tuy nhiên, các số thống kê cho thấy các số tội phạm không có giảm tại các nơi duy trì án tử hình, thí dụ như ngay chính tại Hoa kỳ. Một mục tiêu khác của hình phạt là cải hóa sửa trị; nhưng án tử hình không giáo hoá sửa trị người lầm lỗi, vì đương sự đã toi mạng rồi còn mong chi có cơ hội sửa mình.
Lý do thứ ba chống lại án tử hình là vì nó bất công. Thực vậy, tuy rằng thoạt tiên nguyên tắc “mắt đền mắt, mạng đến mạng” xem ra hợp với lẽ công bằng; nhưng nếu phân tích ra, chúng ta thấy rằng nó không lặp lại sự công bằng được. Thí dụ như nếu tôi giết ông Xoài một người vô tội, thì việc xã hội giết lại tôi không trả lại công bằng cho xã hội tí nào, xét vì nó không làm cho ông Xoài sống lại mà lại giết thêm một mạng người. Đó là chưa kể trường hợp có người bị xử oan, vì bị vu cáo tư thù, và chắc chắn xã hội không có cách nào có thể trả lại sự sống cho người bị xử oan.
Sau cùng lý do căn bản nhất chống lại án tử hình là phẩm giá của con người: quyền sống của họ là cái gì thánh thiêng không ai có quyền đụng tới.
Chúng ta còn đang ở trong lãnh vực lý luận tự nhiên hay đã sang lãnh vực tôn giáo rồi?
Chúng ta đang nói trong lãnh vực tự nhiên, về quyền sống của con người. Dĩ nhiên tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, sẽ còn nhấn mạnh đến quyền ấy hơn nữa, khi nói rằng chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống; còn chính chúng ta cũng không phải là chủ của mạng sống mình mà chỉ là người quản lý. Vì thế chúng ta lại càng không có quyền định đoạt cất mạng sống của người khác.
Bên cạnh những lý do thuộc lãnh vực tự nhiên, còn có thêm những lý do gì của Phúc âm hay không?
Như đã nói trên đây, những lý do thuộc lãnh vực tự nhiên được các giới luật học và các tổ chức nhân quyền nại ra để đòi bãi bỏ án tử hình. Riêng các người Kitô hữu thì họ còn nại ra một số lý do khác nữa để yêu cầu Giáo hội lên tiếng chống lại án tử hình. Lý do ấy dựa trên tinh thần Phúc âm mà Chúa Giêsu đã mang lại cho nhân loại và đã được các Kitô hữu đầu tiên thực hành. Thực vậy, ngoài việc đề cao phẩm giá và kêu gọi tôn trọng mạng sống con người, Chúa Giêsu còn tiêm nhiễm vào xã hội loài người một tinh thần mới, tức là tình yêu tha thứ. Ngài đã thay thế nguyên tắc “mắt đền mắt, răng đền răng” bằng yêu sách tha thứ, thương yêu kẻ thù theo gương Cha trên trời. Chúa Giêsu muốn cho chúng ta loại khỏi con tim tất cả những tâm tình nóng nảy, giận ghét, căm hờn. Các Kitô hữu tiên khởi không thiếu lần đã mang ra áp dụng lời Chúa một cách triệt để, khi không dùng khí giới để tự vệ trước kẻ tấn công mình, khi từ chối gia nhập quân đội vì sợ phải giết người ở chiến trường, khi tuyệt thông những đao thủ đã thi hành bản án tử hình.
Thế còn sách Giáo Lý nói gì về án tử hình?
Vấn đề án tử hình được đề cập tới khi giải thích về giới răn thứ năm: “Chớ giết người”, từ số 2258 trở đi. Sau khi đã giải thích về tính cách thánh thiêng của mạng sống con người, sách Giáo Lý khẳng định rằng: không ai được quyền hủy hoại trực tiếp sự sống của một người khác; việc tự ý giết một người vô tội là điều đi ngược lại phẩm giá con người, ngược lại luật vàng (hãy làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình) và ngược lại sự thánh thiện của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, từ số 2263, sách Giáo lý xét tới trường hợp tự vệ chính đáng. Đây không phải là một khoản trừ cho luật cấm giết người, mà chỉ là trường hợp của một hành vi với hai công hiệu: một bên là bảo vệ mạng sống của mình; bên kia là cái chết của người tấn công; chúng ta chỉ muốn công hiệu thứ nhất chứ không có chủ tâm muốn công hiệu thứ hai. Từ đó, ở số 2263, sách Giáo lý nói rằng người bảo vệ mạng sống của mình không phạm tội giết người khi mình bó buộc phải gây ra cái chết cho người tấn công mình.
Nhưng mà điều này có liên can gì đến án tử hình đâu?
Chính trong chiều hướng tự vệ mà sách Giáo Lý bàn tới án tử hình ở số 2265. Sự tự vệ có thể quan niệm như là một quyền lợi và một nghĩa vụ. Sự tự vệ được coi như một quyền lợi vì là quyền bảo vệ mạng sống của mình; xét vì là một quyền lợi, thì đương sự vì lý do vị tha hay tôn giáo có thể khước từ: thà chấp nhận cái chết còn hơn gây cái chết cho người khác. Nhưng có trường hợp mà sự tự vệ trở thành một nghĩa vụ, đối với người mang trách nhiệm đối với mạng sống của đời sống của tha nhân, với ích chung của gia đình hay xã hội. Từ đó, ở số 2266, sách Giáo lý đề cập đến án tử hình như sau: “Việc duy trì công ích của xã hội đòi hỏi phải đặt người tấn công vào thế không thể phá hoại được. Với danh nghĩa ấy, giáo huấn cổ truyền của Hội thánh đã nhìn nhận nền tảng của nghĩa vụ và quyền lợi của công quyền hợp pháp được tuyên những hình phạt tương xứng với sự trầm trọng của tội phạm, kể cả tử hình trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng. Cũng vì những lý do tương tự, nhà cầm quyền có quyền đẩy lui bằng vũ lực những người tấn công cộng đồng mà họ lãnh trách nhiệm”.
Nói thế thì rõ là Giáo hội cho phép áp dụng án tử hình, chứ đâu có rào trước đón sau gì đâu?
Rào đón nhiều lắm chứ. Thứ nhất, nên nhớ là án tử hình được đặt trong viễn tượng của sự tự vệ, nghĩa là của hành vi với hai công hiệu: công hiệu chính là bảo vệ mạng sống, và công hiệu tùy là gây ra cái chết cho đối thủ. Tuy nhiên để áp dụng nguyên tắc này, thì điều 2264 đã nhắc nhở rằng cần phải giữ sự cân xứng trong khi tự vệ. Luân lý không cho phép bảo vệ mạng sống mình bằng phương tiện tàn bạo quá mức cần thiết. Từ nguyên tắc chung ấy, điều 2267 khẳng định như sau: nếu những phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ sinh mạng, trật tự công cộng và sự an toàn của nhân dân chống lại những người tấn công, thì nhà cầm quyền hãy tự hạn chế vào những phương thế ấy, bởi vì chúng thích hợp với những điều kiện cụ thể của công ích, và tương ứng với phẩm giá con người hơn. Nói cách khác, án tử hình chỉ nên sử dụng như là khi lâm vào ngõ bí không có lối thoát khác nữa. Thực vậy, trước đó, sách Giáo lý đã nhắc lại ba mục tiêu chính của hình phạt: thứ nhất, sửa chữa lại trật tự đã bị rối loạn do tội phạm; thứ hai bảo vệ trật tự công cộng và an ninh nhân sự; thứ ba, là vai trò sửa trị, giúp cho phạm nhân sửa mình.
Nhưng mà cả ba mục tiêu ấy đâu có đạt được với án tử hình, như các phong trào nhân quyền đã cho thấy?
Đúng vậy; vì vậy mà theo tôi nghĩ, tuy rằng Giáo hội dựa theo truyền thống, chấp nhận rằng chính quyền có quyền lên án tử hình; nhưng trên thực tế thì ra như can ngăn đừng xài tới nó, xét vì nó không đạt tới những mục tiêu mà hình phạt nhắm tới. Dĩ nhiên, một trách nhiệm rất lớn được đặt cho các nhà cầm quyền (tiên vàn cơ quan lập pháp), phải cân nhắc xem có những phương tiện nào khác để bảo vệ xã hội và cải hóa phạm nhân hay không. Dĩ nhiên sự trả lời tùy thuộc vào điều kiện văn hóa xã hội của mỗi quốc gia. Lịch sử cho thấy rằng công luận đã tiến triển rất nhiều trải qua dòng thời gian. Thí dụ như tại Âu châu, trước đây người ta chấp nhận kêu án tử hình vì tội truyền bá tư tưởng nguy hiểm (chứ chưa giết hại gì ai), nhưng ngày nay người ta đòi hỏi loại bỏ án tử hình khỏi các bộ hình luật: sự tiến triển ấy giả thiết cả một việc thay đổi não trạng, giáo dục, cũng như những chế độ lao tù. Chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng, với thời gian, khi ý thức về nhân phẩm càng ngày càng chín mùi hơn, tất cả các nền pháp chế trên thế giới sẽ loại trừ án tử hình khỏi bộ hình luật. Trong vấn đề này, chắc rằng giáo huấn của Sách Giáo Lý không phải là không thể cải tiến. Ta có thể thấy một thí dụ của sự tiến triển của giáo huấn của Hội thánh quanh vấn đề tra tấn nói ở số 2298, nơi mà soạn giả nhìn nhận sự thiếu sót của Giáo hội trong quá khứ.
[Lưu ý: trong ấn bản mới, năm 1997, dựa theo thông điệp Evangelium vitae số 56, sách Giáo lý cho biết ngày nay án tử hình đã lỗi thời, bởi vì xã hội có những phương tiện khác để tự vệ và giúp cho tội nhân cải thiện]

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

Người tín hữu Công giáo có được tham gia vào chính trị? Bài viết cho 3 phút Docat (7/3/2020)


Người tín hữu Công giáo có được tham gia vào chính trị?  Đây làm một câu hỏi của nhiều người trẻ khi vừa bước vào đời. Giáo huấn của Hội thánh có hướng dẫn gì cho chúng ta về điều này?

Từ “chính trị” được hiểu theo hai cách khác nhau. Theo nghĩa hẹp, chính trị bao gồm những hoạt động nhằm thi hành quyền bính trong cộng đồng dân sự. Làm chính trị là tìm cách nắm giữ quyền hành để giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của một quốc gia. Các nhà chính trị hoạt động trong một tổ chức chính trị (gọi là đảng phái) có cương lĩnh và luật lệ riêng. Khi đã nắm quyền bính trong tay, họ tạo ra bộ máy chính quyền để tổ chức quản lý xã hội theo quan điểm của mình. Như vậy, chính trị theo nghĩa hẹp là một lĩnh vực mà không phải ai cũng có khả năng và điều kiện để tham gia.

Theo nghĩa rộng hơn, chính trị bao gồm mọi hoạt động nhằm đạt tới lợi ích chung, nhằm bảo đảm cho những mối tương quan xã hội được tiến hành trong sự tôn trọng quyền tự do và bình đẳng của tất cả mọi người trong cộng đồng dân sự. Với cách hiểu này, trong cương vị của mình mỗi cá nhân một cộng đồng dân sự đều “làm chính trị”, cho dù có ý thức về điều ấy hay không

Hướng dẫn của Giáo hội cho chúng ta rất rõ ràng. Tín hữu Công giáo không chỉ được quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia vào đời sống chính trị “miễn là phù hợp với những đòi hỏi của đạo lý và đời sống Ki-tô giáo”. Điều này bao gồm cả nghĩa hẹp của từ “chính trị”, tức là tham gia vào chính quyền, với điều kiện chính quyền ấy phải hoạt động dựa trên nền tảng “công ích” - được định nghĩa theo Công đồng Vatican II với 3 yếu tố: tôn trọng nhân vị đúng nghĩa; đòi hỏi sự thịnh vượng xã hội và phát triển; và mang lại hòa bình, theo nghĩa “sự vững chắc và an toàn của một trật tự chính đáng”.
------------
Tham khảo
3.   Giáo huấn của Hội thánh về chính trị - Thời sự Thần học số 87, tr. 160 đến 184

Vì sao Giáo hội Công giáo quan tâm quá nhiều đến chính trị? Bài viết cho 3 phút Docat (8/3/2020)


Vì sao Giáo hội Công giáo quan tâm quá nhiều đến chính trị? Đó là câu hỏi thường được đặt ra cho những người không chia sẻ đức tin Công giáo. Vậy quan điểm chính thức của Giáo hội về việc này là thế nào?

Cần khẳng định rằng Giáo hội không nhắm đến quyền bính chính trị. Sứ mạng của Giáo hội trên trần thế là loan báo Tin Mừng của Chúa Giê Su cho toàn thể nhân loại. Giáo hội nhắm đến việc xây dựng một xã hội nơi phẩm giá của mỗi người được tôn trọng, nơi mối quan hệ giữa các cá nhân được xây dựng trên nền tảng của tình huynh đệ, của bình đẳng, sự thật và tự do.

Với sứ mạng trên, Giáo hội quan tâm đến mọi khía cạnh của đời sống con người, kể cả chính trị. Giáo hội nhìn nhận sự cần thiết của quyền bính chính trị để đảm bảo cuộc sống trật tự yên ổn của cộng đồng trong việc kiếm tìm công ích. Giáo hội nhắc nhở các tín hữu về nghĩa vụ yêu mến tổ quốc, phục tùng chính quyền, và thực thi đầy đủ quyền bầu cử và nộp thuế.

Bên cạnh đó, GH cũng đòi hỏi ở nhà cầm quyền trách nhiệm mưu cầu công ích cho mọi người. Giáo hội không chấp nhận việc sử dụng các các phương tiện trái ngược với luân lý, những thủ đoạn gian dối trong thực thi quyền lực để quản lý xã hội. Người tín hữu Công giáo được kêu gọi tham gia vào đời sống chính trị như một phương cách để để thực hành niềm tin Kitô giáo của mình trong thực tại trần thế.

Sự quan tâm của Giáo hội Công giáo đến chính trị không phải là để thay thế hay dẫm chân lên những hoạt động của chính quyền, mà nhằm cung cấp nền tảng luân lý cho mọi hoạt động trong xã hội, trong đó có chính trị. Như Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh, "Giáo hội không thể cũng như không nên nhúng tay vào bộ máy chính trị để thực hiện một xã hội công bình hơn. Nhưng Giáo hội cũng không thể để đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công bình xã hội."

(387 từ)
----------------
Tham khảo: Thời sự Thần học số 87, chuyên đề về Thần học chính trị.



Tự do cá nhân và công ích - Bài viết cho 3 phút Docat (25/3/2020)

Tôn trọng quyền tự do của người dân được cho là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ nhiều nước phương Tây chậm trễ trong việc ngăn chặn bùng phát của COVID-19. Giờ đây trước các diễn biến khó lường của cơn đại dịch, nhiều người đang tự hỏi đâu là giới hạn của quyền tự do cá nhân, xét trong mối quan hệ với công ích?
Cần khẳng định giáo lý của đạo Công giáo thừa nhận tự do như là một giá trị căn bản của mỗi cá nhân với tư cách là một nhân vị. Tự do là điều đặt con người lên trên hết các loài và làm cho họ giống với hình ảnh Thượng đế hơn. Đó là một quyền cơ bản của mỗi người mà không ai có quyền ngăn cản hoặc hạn chế. Tước bỏ quyền tự do cá nhân sẽ làm cho mỗi người mất đi tính độc đáo, khiến họ không còn khả năng đưa ra những lựa chọn riêng và chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình. Điều này giải thích vì sao chính phủ các nước khá cân nhắc khi đưa ra những quyết định hạn chế quyền tự do đi lại của người dân, phần nào dẫn đến phản ứng chậm trễ như đã thấy.
Nhưng quyền tự do cá nhân không có nghĩa là ai muốn làm gì thì làm. Là những thành viên của một cộng đồng, từng hành động của mỗi chúng ta đều có tác động đến mọi người khác - tích cực hoặc tiêu cực. Thói quen ăn thịt động vật hoang dã và thiếu ý thức vệ sinh công cộng của người Trung Quốc được cho là đã biến Vũ Hán thành tâm chấn đầu tiên của cơn đại dịch toàn cầu. Ở Hàn quốc, do không ý thức được khả năng lây lan của Coronavirus, việc tự do đi lại và hành đạo của các thành viên giáo phái Tân Thiên Địa làm cho dịch bùng phát trên cả nước. Trong những trường hợp này, chính phủ các nước có quyền và cần phải đưa ra những biện pháp hạn chế quyền tự do cá nhân để bảo đảm lợi ích chung của toàn xã hội.
Tìm được sự cân bằng giữa tự do cá nhân và công ích, đặt công ích làm nguyên tắc nền tảng hướng dẫn mọi hành động trong đời sống là đòi hỏi của giáo hội đối với mỗi tín hữu, và là cách thức mà mỗi người chúng ta có thể sống Tin Mừng trong thực tại trần thế./.
(437 từ)